Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

Việt Nam trong bối cảnh các cường quốc đấu tranh vì trật tự mới trong khu vực

Hiện nay trong vùng Đông Á có một mâu thuẫn cơ bản mang tính địa chính trị. Các thế hệ “Rồng” châu Á có sức mạnh cộng dồn về mặt kinh tế mạnh hơn Hoa Kỳ, nhưng về mặt chính trị thì họ vẫn có vai trò thứ cấp. Tức là về mặt kinh tế họ là các quốc gia khổng lồ, nhưng về mặt chính trị và an ninh họ không có tiếng nói thích hợp. Đồng thời, Hoa Kỳ hiện nay là quốc gia số một về tổng nợ. Để duy trì vai trò của mình trên thế giới Washington rất khéo léo lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước khác, họ xây dựng vòng cung bất ổn Đông Á để chi phối các đối thủ cạnh tranh dựa vào vai trò chủ chốt về mặt quản lý xung đột ở nước khác vì quyền lợi của mình. Hiệp mới của trò chơi địa chính trị trong vùng Đông Á đang được bắt đầu. Trò chơi địa chính trị giữa các cường quốc đã dẫn đến thay đổi to lớn. Sự lớn mạnh của Trung Quốc và việc mở rộng vùng ảnh hưởng gây đe dọa quyền lợi của các cường quốc. Washington cố gắng kiềm chế Bắc Kinh. Vì đây là hai cường quốc hạt nhân, cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai nước này là không thể xảy ra được, do đó Washington chọn đường lối chống Bắc Kinh bằng bàn tay của nước khác trong khu vực. Chính sách phản tác dụng của Trung Quốc ở Biển Đông đang buộc các nước Đông Nam Á tìm kiếm một đối trọng ở bên ngoài khu vực. Hoa Kỳ đứng đầu làm đại diện cho đối trọng ấy. Họ cố gắng hồi sinh một liên minh là khối SEATO, mà đã chấm dứt sự tồn tại vào năm 1976. Nếu như thiếu Việt Nam, thì khối này chẳng có nghĩa lý gì, còn bây giờ ý tưởng đó lại xuất hiện. Việt Nam với tư cách là quốc gia Đông Nam Á mạnh nhất về quân sự tất nhiên cần phải đóng vai trò đặc biệt trong dự án này. Cấu hình khu vực như thế đặt nền an ninh Việt Nam trước những thử thách lớn.

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

Hội chứng chuyển hóa và yếu tố nguy cơ ở người trung niên bị tiền đái tháo đường

Hội chứng chuyển hóa (HCCH) là yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường týp 2. Nghiên cứu nhằm xác định tỉ lệ mắc HCCH ở người bị tiền đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ được tiến hành trên 368 người bị tiền đái tháo đường từ 40-64 tuổi tại tỉnh Hà Nam. Kết quả cho thấy tỉ lệ mắc HCCH trên người bị tiền đái tháo đường là 46,7% (41,5% ở nam và 49, 8% ở nữ). Trong số người mắc HCCH, tỉ lệ mắc với 3 thành tố là cao nhất (74,9%), tiếp đến với 4 thành tố (21,6%) và với 5 thành tố (3,5%). Sau khi hiệu chỉnh theo các biến trong phân tích đa biến thì nguy cơ mắc HCCH tăng ở giới nữ so với nam giới (OR=1,73; P=0,041), vùng thành thị so với vùng nông thôn (OR=2,05; P=0,0048), nhóm tuổi 50-59 so với nhóm tuổi 45-49 (OR=2,18; P=0,003), thừa cân-béo phì so với bình thường (OR=3,14; P<0,0001) và ngủ tối >7giờ so với ngủ tối ≤7 giờ (OR=1,96; P=0,022).

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Dẫn liệu về thành phần loài mối (Insecta: Isoptera) gây hại một số công trình di tích ở miền Bắc Việt Nam và hiệu quả phòng trừ


Điều tra thành phần loài mối gây hại một số công trình di tích được tiến hành tại 101 di tích thuộc 14 tỉnh thuộc miền Bắc Việt Nam. Bảy loài mối đã được phát hiện, trong đó có 4 loài được xác định là loài gây hại chủ yếu cho di tích bao gồm Coptotermes gestroi, Cryptotermes domesticus, Coptotermes ceylonicus và Odontotermes hainanensis. Kết quả chung cho thấy, hiệu quả xử lý mối đạt 98,6% với tất cả các giống mối gây hại trong di tích, tuy nhiên trung bình chỉ có 72,59% vị trí hết mối sau lần xử lý thứ nhất và 27,41% vị trí đạt hiệu quả xử lý sau lần xử lý thứ 2. Kết quả kiểm tra định kỳ hàng năm cho thấy có 97% các công trình di tích đã được xử mối không xuất hiện mối trở lại.
http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/60779

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Định kiến đối với người đồng tính

Luận án không những góp phần hệ thống hoá, cập nhật một số vấn đề lý luận có liên quan tới định kiến mà còn thiết kế khung lý thuyết và bộ công cụ đo lường định kiến đối với người đồng tính ở sinh viên. Về mặt thực tiễn, qua điều tra khảo sát, luận án phát hiện sinh viên thể hiện định kiến đối với người đồng tính nam ở mức độ cao nhưng lại thể hiện định kiến ở mức độ thấp đối với người đồng tính nữ; mức độ định kiến ở từng thành tố khuôn mẫu, phản ứng cảm xúc và niềm tin tiêu cực là khác nhau trên từng tiểu thang đo lường định kiến đối với người đồng tính nữ, đồng tính nam. Tuy nhiên, phản ứng cảm xúc là thành tố được sinh viên thể hiện định kiến ở mức độ cao nhất so với hai thành tố còn lại. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng định kiến đối với người đồng tính chịu ảnh hưởng của tất cả các yếu tố được khảo sát; trong đó, truyền thông và các giá trị truyền thống về vai trò giới có ảnh hưởng mạnh nhất đến định kiến đối với người đồng tính ở sinh viên.