Hoàng Thái hậu Ỷ Lan - triều Lý - là một nhân vật lịch sử, một nhà Phật học nổi tiếng của Việt Nam. Tên tuổi cũng như cuộc đời bà gắn chặt với sự nghiệp của hai vị vua anh kiệt là Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông.
Hoàng Thái hậu Ỷ Lan có công rất lớn trong việc chăm sóc Phật giáo, cho xây dựng hàng trăm ngôi chùa, trong đó có chùa Từ Kính là muốn gửi lại lâu dài cho quê hương mình. Tại đền thờ bà ở thôn Như Quỳnh còn lưu giữ đôi câu đối của danh sỹ Cao Bá Quát: Nhất bát thượng tiền duyên, trường ký cố hương Từ Kính tự/ Bát lăng thành quá mộng, bất tri hà xứ Thượng Dương cung. (Tạm dịch: Duyên trước hâm mộ một cái bát (của nhà Phật), gửi lại mãi quê nhà ngôi chùa Từ Kính. Như giấc mộng tàn tám lăng mộ (của nhà Lý), không biết chỗ nào có cung Thượng Dương).
Hoàng Thái hậu Ỷ Lan am hiểu sâu sắc về Phật học. Các thư tịch cổ còn ghi lại cuộc tọa đàm về Phật học giữa bà Ỷ Lan với các vị Đại sư tại Thăng Long năm 1096. Trong buổi tọa đàm này, bà Ỷ Lan đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về Phật học nói chung và Phật học ở nước ta nói riêng cho các Đại sư uyên bác ứng giải.
Ngoài những hiểu biết sâu xa về Phật học, bà Ỷ Lan còn viết một bài kệ nổi tiếng: Sắc thị không, không tức sắc/ Không thị sắc, sắc tức không/ Sắc không câu bất quản/ Phương đắc khế chân tông. (Nghĩa là: Sắc là không, không tức sắc/ Không là sắc, sắc tức không/ Sắc, không đều chẳng quản/ Mới hợp được chân tông). Với bài kệ này, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan được thế giới ghi nhận là một tác gia Phật học thời Lý – Trần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét