Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Đặc điểm sức hút dính của một số loại đất bờ Sông Hồng khu vực Hà Nội

Sức hút dính là tính chất đặc trưng cho tính chất không bão hòa của đất và là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến ổn định bờ sông, đặc biệt trong điều kiện thay đổi của đới thủy động lực và nước ngầm khu vực bờ sông. Mục tiêu của bài báo nhằm nghiên cứu đặc điểm sức hút dính, ảnh hưởng của thành phần độ hạt và dung trọng đến sức hút dính cho một số loại đất bờ Sông Hồng khu vực Hà Nội. Kết quả thí nghiệm cho thấy sức hút dính chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thành phần độ hạt và dung trọng của đất. Giá trị sức hút dính tại điểm khí bắt đầu xâm nhập vào mẫu (air-entry value, AEV) và sức hút dính tại điểm đất gần khô hoàn toàn (residual suction value, RSV) có xu hướng giảm rõ giữa các nhóm đất khác nhau, từ nhóm đất sét đến nhóm cát khi hàm lượng sét giảm, hàm lượng bột và cát trong đất tăng. Với cùng dung trọng bằng 15,0 kN/m3, giá trị AEV giảm từ 50 kPa đến 9 kPa, giá trị RSV giảm từ 600 đến 25 kPa khi hàm lượng hạt mịn trong đất giảm dần. Giá trị AEV và RSV có giá trị cao hơn khi dung trọng đất cao hơn. Với dung trọng là 13,5 kN/m3; 15,0 kN/m3; và 16,5 kN/m3, giá trị lớn nhất của AEV lần lượt là 25kPa, 50 kPa và 60 kPa; của RSV là 120 kPa, 600 kPa và 900 kPa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét